-
- Tổng tiền thanh toán:
Cúng Rằm Tháng 7: Ý Nghĩa, Mâm Cúng và Những Điều Cần Lưu Ý
Cúng rằm tháng 7 luôn là một nghi lễ không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của ông cha ta từ trước đến nay. Vậy nghi lễ này có ý nghĩa như thế nào, cách chuẩn bị mâm cúng ra sao? Hãy để Hadosa giúp bạn trả lời những câu hỏi trên một cách chi tiết và đầy đủ nhất nhé.
Việc cúng rằm tháng 7 có ý nghĩa như thế nào?
Rằm tháng 7 là ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Ngày này mang 2 ý nghĩa lớn đó là ngày lễ Vu Lan - tri ân công ơn của bậc sinh thành và ngày xá tội vong nhân.
Rằm tháng 7 mang ý nghĩa ngày lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan chính là dịp đặc biệt để mỗi người con báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn, trân trọng của mình đến những bậc sinh thành về công lao nuôi nấng, dạy dỗ của họ trong kiếp này và cả những kiếp trước. Đây chính là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông ta thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Trong dịp này mọi người thường thực hiện nghi thức cài bông hồng lên áo và thả trôi đèn hoa đăng trên dòng sông với mục đích cầu nguyện cho những điều tốt đẹp và an lành nhất sẽ đến với những bậc sinh thành của mình.
Rằm tháng 7 mang ý nghĩa ngày xá tội vong nhân
Ngày xá tội vong nhân được cho là ngày âm phủ sẽ mở cửa địa ngục để các vong hồn được ra ngoài. Trong ngày này người dân Việt Nam sẽ thực hiện lễ cúng cô hồn với mong muốn cung cấp thức ăn, đồ uống và cầu cho những vong hồn vất vưởng, không có nơi hương khói sớm được siêu sinh đồng thời mong cầu bình an cho gia đình mình, không bị ma quỷ quấy phá.
Tục lệ này thể hiện sự nhân văn, lòng nhân ái, giúp đỡ người khốn khó theo truyền thống và đạo lý tốt đẹp của người dân Việt Nam ta từ trước đến nay.
Việc cúng rằm tháng 7 có ý nghĩa quan trọng
Rằm tháng 7 thường cúng khi nào?
Rằm tháng 7 rơi vào ngày 15/7 hàng năm, theo quan niệm từ xa xưa thì ngày 15/7 sẽ là ngày cuối cùng, là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa” do đó sau ngày này thì người ở cõi âm sẽ không thể nhận được những đồ thờ cúng được nữa.
Ngoài ra cũng có nhiều quan niệm khác cho rằng vào đúng ngày rằng tháng 7 tức ngày 15/7 âm lịch thì sẽ có rất nhiều các vong hồn đi lang thang, vất vưởng nên gia tiên khó mà nhận được những đồ con cháu cúng tế cho.
Vì những quan điểm trên nên thông thường người dân thường cúng rằm trước, bắt đầu từ ngày 2/7 đến trước 12h ngày 15/7 âm lịch.
Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7 đúng cách
Mâm cúng rằm tháng 7 sẽ có sự chuẩn bị và sắp xếp khác nhau cho từng đối tượng khác nhau. Sau đây sẽ là gợi ý để bạn có thể làm theo:
Mâm cơm cúng Phật
Đối với những gia đình theo đạo Phật và có bàn thờ Phật trong nhà thì việc chuẩn bị một mâm cúng Phật là điều cần thiết. Để cúng Phật gia chủ nên chuẩn bị một mâm cúng chay là tốt nhất.
Mâm cơm cúng Phật:
- Cơm chay
- Giò hoặc chả chay
- Xôi cúng: xôi gấc/xôi lạc/xôi đỗ
- Nem chay/nem rau
- Nộm hoa quả
- Rau củ xào
- Canh rau củ/canh nấm
Nếu gia chủ không có thời gian và điều kiện để chuẩn bị một mâm cúng gợi ý như trên thì chỉ cần chuẩn bị mâm ngũ quả cùng với tấm lòng thành của mình.
Lễ vật cúng Phật:
- Hoa tươi
- Hoa quả
- Hương
- Nước, trà
- Rượu
- Vàng mã
Mâm cơm cúng Phật
Mâm cơm cúng thần linh và gia tiên
Mâm cơm cúng rằm tháng 7 cho thần linh và gia tiên là mâm cúng mặn hoặc chay tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của mỗi gia đình. Không có một nguyên tắc hay quy định nghiêm ngặt nào về việc chuẩn bị mâm cúng.
Các món trong mâm cúng được chuẩn bị tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Gia chủ có thể chuẩn bị các món dựa theo sở thích của gia tiên khi còn sống hoặc các món ăn truyền thống của địa phương, vùng miền.
Mâm cơm cúng thần linh, gia tiên cơ bản:
- Thịt gà luộc
- Canh rau củ/canh xương
- Giò/chả/nem
- Xôi
- Rau củ xào
Lễ vật cúng gồm những thứ cơ bản:
- Hoa tươi
- Hoa quả
- Hương
- Nước, trà
- Rượu
- Nến
- Tiền vàng
- Quần áo giấy
Mâm cơm cúng thần linh và gia tiên
Mâm cúng chúng sinh
Mâm cúng chúng sinh thường được để ở ngoài sân hoặc trước cửa nhà và thực hiện cúng trước 12h ngày 15/7. Việc cúng chúng sinh để cung cấp đồ ăn, nước uống, thể hiện tấm lòng nhân ái của người Việt Nam dành cho những vong hồn không nơi nương tựa, thất thế, sa cơ lỡ vận, không có người thăm cúng.
Mâm cỗ cúng chúng sinh cơ bản gồm:
- Ngũ quả
- 12 bát cháo trắng loãng
- Muối gạo
- Các loại bánh kẹo, bim bim
- Mía
- Rượu, nước
- Hương, nến
- Tiền vàng, quần áo chúng sinh
Mâm cúng chúng sinh
Những điều cần lưu ý khi thực hiện cúng rằm tháng 7
Khi thực hiện nghi lễ cúng rằm tháng 7 bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
- Thứ tự cúng: Tiến hành cúng Phật trước, sau đó đến thần linh và gia tiên, lễ cúng chúng sinh được thực hiện cuối cùng
- Bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên được đặt ở vị trí trên cao. Nếu gia đình nào có bàn thờ Phật thì bàn thờ Phật phải được đặt ở vị trí cao hơn bàn thờ gia tiên.
- Trước khi thực hiện nghi lễ cúng thì gia chủ cần phải lau dọn, vệ sinh ban thờ một cách sạch sẽ, sắp xếp các vật dùng trên bàn thờ gọn gàng sau đó bày biện mâm cúng cẩn thận, đẹp mắt.
- Lễ cúng chính sinh (cúng cô hồn) không được thực hiện trong nhà mà phải thực hiện ở ngoài trời, ngoài sân hoặc trước cửa nhà. Đồng thời với lễ cúng này chỉ chuẩn bị đồ chay, không cúng mặn vì có thể khơi lên lòng tham, sân si của các cô hồn.
- Ăn mặc lịch sự, trang nghiêm và không để ai quấy rầy hay làm phiền khi lễ cúng đang diễn ra.
- Nên ghi tên người nhận vào các bộ quần áo đốt cho người quá cố vì vào ngày này có rất nhiều oan hồn đi lang thang, vất vưởng.
Việc cúng rằm tháng 7 mang một ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Hiểu được điều này cùng với những gợi ý trên đây chắc chắn bạn sẽ chuẩn bị được cho gia đình mình một mâm cúng đủ đầy để thể hiện lòng thành kính sâu sắc với tổ tiên và góp phần mang lại những điều bình an nhất cho gia đình bạn. Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình và người thân những món trang sức, đá quý để đeo vào những dịp quan trọng thì hãy ghé thăm HADOSA ngay nhé. Chúng tôi cam kết sẽ mang đến cho bạn những sản phẩm chất lượng cùng với những dịch vụ hoàn hảo nhất.